Thay vì chia đều tài sản cho con trai và con gái, bác tôi nhất định cho con trai hưởng một nửa gia tài.

"Chia đều thừa kế cho con cái tức là làm đúng theo luật. Nhưng mỗi cha mẹ thường có cách chia khác nhau tùy theo hoàn cảnh và quan điểm riêng: có người chia cho con trai nhiều hơn con gái, có người lại chia con trưởng nhiều hơn con thứ...

Thực ra, khi đời sống nông nghiệp còn thống trị thì chia như vậy cũng có thể chấp nhận được vì có mấy sào ruộng cũng chỉ để cấy lúa mà thôi. Nhưng ngày nay, tài sản sinh lợi khác nhau nên chuyện chia thừa kế mới đem ra so bì. Chẳng hạn cái nhà mặt phố chắc chắn có giá hơn hẳn căn nhà trong ngõ, hay miếng đất đô thị phải hơn hẳn miếng đất ở vùng quê. Thế nên, 'anh em tương tàn' vì đất đai thừa kế là chuyện không hiếm.

Không chỉ có tài sản hữu hình như đất đai, nhà cửa, mà còn có tài sản vô hình như các mối quan hệ, khách hàng sẵn có, kinh nghiệm làm ăn... Độ lớn của tài sản cũng khác nhau nên cách chia của mỗi gia đình cũng khác nhau. Con cái cũng mỗi đứa sống mỗi nơi và làm các công việc khác nhau nên không thể áp một quy tắc cứng nhắc nào được.

Theo tôi, để tránh việc này, nếu cha mẹ có thể chia đều tài sản cho các con là tốt nhất. Nhưng tất nhiên, cũng có những trường hợp mà không chia đều lại là hợp lý. Cụ thể là chia thừa kế theo công đóng góp của từng đứa con.

>> 'Tôi như bát nước đổ đi khi cha mẹ cho con trai thừa kế hết tài sản'

Nhà bác tôi ở Hà Nội là một ví dụ. Bác có bốn người con (hai trai, hai gái). Bác mở xưởng cơ khí, chỉ có con trai (sau chị cả) là không học đại học và về làm cùng bố để nuôi cả nhà. Còn ba người còn lại chỉ chuyên tâm học đại học. Vậy thì anh con trai này được hưởng một nửa tài sản thừa kế như cách chia của bác cũng là hoàn toàn xứng đáng.

Nhưng nhiều người vì tham lam nên vẫn đem chuyện này ra so bì thiệt hơn. Tốt nhất bố mẹ nên chia sớm tài sản và có sự đánh giá công sức của các con một cách công khai, rõ ràng để chia sao cho công bằng. Làm như vậy để các con đều tâm phục, khẩu phục.

Tôi cho rằng chia thừa kế thế nào mà sau khi nhận tài sản, ai cũng vui vẻ, thoải mái mới là đúng nhất. Ví dụ, cha mẹ nghèo, chỉ có một căn nhà đang ở thì khi nào qua đời mới chia là đúng. Nhưng nếu cha mẹ giàu có, sở hữu nhiều căn nhà, thì nên chia sớm hơn - khi các con đã trưởng thành và có công việc. Nếu cha mẹ giàu hơn nữa, có cả công ty thì còn phải chọn ai trong số các con có thể tiếp quản cơ nghiệp để nó phát triển...

Nói tóm lại, nếu cha mẹ muốn chia tài sản cho con thì phải cân nhắc chia thế nào, chia vào lúc nào để con cái có được 'cần câu cơm' tốt nhất mới là bậc cha mẹ sáng suốt. Chứ không phải cứ nghĩ mình phải nắm tài sản cho đến chết mới là cách hay".

Đó là chia sẻ của độc giả Hongnhungpaticusi xung quanh câu chuyện "Bố mẹ tôi dẹp loạn nhà cửa khi chia thừa kế cho con trai như con gái". Phân chia tài sản trong mỗi gia đình luôn là vấn đề tế nhị và đôi khi khó giải quyết. Nếu không khéo léo sẽ khiến tình cảm ruột thịt bị rạn nứt. Thời gian gần đây, dư luận cũng chứng kiến nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong việc thừa kế tài sản.

Người châu Á nói chung và người Việt nói riêng vẫn giữ nhiều nếp nghĩ xưa, như quan niệm trọng nam khinh nữ, con trai nối nghiệp tổ tiên, dâu con rể khách, con gái đi lấy chồng thì phải theo nhà chồng... Những quan niệm này đang chi phối câu chuyện thừa kế tài sản trong nhiều gia đình. Theo bạn quan niệm đó có còn đúng trong xã hội hiện đại?

Lê Phạm tổng hợp

Bạn sẽ chia thừa kế như thế nào? Bình chọn và chia sẻ quan điểm tại đây.