Cô gái Việt giành học bổng tổng trị giá hơn 46 tỷ đồng từ đại học Mỹ
(Dân trí) - Lê Nguyễn Nhật Hạ (SN 2006) chinh phục hàng loạt học bổng từ các trường đại học hàng đầu thế giới với tổng giá trị lên đến 46,5 tỷ đồng.
Theo gia đình sang Mỹ sinh sống và học tập khi mới chín tuổi, Nhật Hạ luôn nỗ lực học tập. Cấp ba, cô xếp hạng nhất trong 234 học sinh và trở thành đại diện phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Trường Trung học North Dallas.
Để sớm chuẩn bị cho môi trường đại học và theo đuổi đam mê ngành khoa học máy tính, cô gái sinh năm 2006 đã học chương trình kết hợp và cùng lúc tốt nghiệp Cao đẳng cộng đồng Dallas College với điểm số tuyệt đối (4.0/4.0), nhận bằng cao đẳng Khoa học ứng dụng về lập trình phần mềm.
Nhật Hạ từng xếp hạng nhất tại trường Trung học North Dallas và nhận bằng cao đẳng Khoa học ứng dụng về lập trình phần mềm với số điểm tuyệt đối (Ảnh: NVCC).
Trong suốt thời gian học cấp ba, cô bạn tích cực tham gia thực tập tại các công ty để áp dụng kiến thức vào thực tế. Hạ từng là thực tập sinh tại Pepsico và hãng hàng không Southwest Airlines, đồng thời giữ nhiều vai trò lãnh đạo tại trường như Đại sứ học sinh, chủ tịch học sinh National Honor Society (Hiệp hội danh dự quốc gia), và đội trưởng của Hiệp hội huấn luyện Toán và Khoa học bang Texas.
Từ tháng 6 năm nay, nữ sinh Gen Z đã nhận được nhiều tin vui từ các trường đại học hàng đầu. Cô gái đến từ Đà Nẵng chinh phục học bổng toàn phần của Harvard với hơn 8,5 tỷ đồng cho bốn năm đại học, Yale hơn 8,6 tỷ đồng, Columbia hơn 8,5 tỷ đồng, Vanderbilt hơn 9 tỷ đồng, Đại học Southern Methodist hơn 8,8 tỷ đồng, cùng nhiều học bổng khác. Tổng giá trị các học bổng mà cô đạt được lên đến 46,5 tỷ đồng.
Nhật Hạ chụp ảnh tại trường ĐH Columbia, nơi cô nhận được học bổng hơn 8,5 tỷ đồng cho 4 năm đại học (Ảnh: NVCC).
Bài luận lấy cảm hứng từ câu chuyện Rùa và Thỏ
Mặc dù chủ đề sốc văn hóa và rào cản ngôn ngữ là những trải nghiệm quen thuộc mà nhiều du học sinh phải đối mặt, Hạ đã khéo léo lồng ghép câu chuyện ngụ ngôn "Rùa và Thỏ" vào bài luận của mình.
Trong câu chuyện quen thuộc, Rùa được tán dương vì phương pháp "chậm mà chắc," trong khi Thỏ lại bị chỉ trích vì sự chủ quan, dẫn đến thất bại. Tuy nhiên, nữ sinh Việt đã đi ngược lại định kiến này, tự nhận mình là Thỏ trong câu chuyện. Cô gái trẻ đã luôn nỗ lực "chạy thật nhanh" để bắt kịp với môi trường học tập tại Mỹ, nơi tiếng Anh là ngôn ngữ chính.
Trong bài luận, cô gái 10x đã dùng những hình ảnh sinh động để miêu tả hành trình của mình: "(...)Tôi thấy mình đang ở Hoa Kỳ, một cơn bão tháng tư chào đón tôi vào ngày đầu tiên đến trường(…) Tôi cố gắng đến trường sớm, nhưng đến cuối ngày, tôi đã trở thành người đến muộn.
Mọi người đều chạy đua để thể hiện kiến thức của mình, trong khi tôi khó khăn ghép lại ý nghĩa nhãn hiệu mới của mình "English language learner" (...) Về mặt thể chất, tôi là người đầu tiên, về mặt học thuật, tôi bị bỏ lại trong cát bụi(…) Bởi vì một con rùa, dù nhanh đến đâu, cũng không thể đánh bại được con rùa dẫn trước, nhưng thỏ thì có thể...".
Cô gái đến từ Đà Nẵng cũng chinh phục học bổng toàn phần của Harvard trị giá hơn 8,5 tỷ đồng (Ảnh: NVCC).
Dù vậy, Thỏ cũng cần phải dừng lại nghỉ ngơi. Và thời điểm đó đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Hạ có cơ hội lần đầu tiên sau 5 năm dừng lại để tự nhìn nhận và làm mới bản thân. Cô nhận ra rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng cần chạy đua, mà đôi khi, điều quan trọng là tận hưởng những đam mê và sở thích của chính mình thông qua việc viết lách.
"Gõ chữ với tốc độ năm từ một phút, tôi nghiên cứu mọi sở thích khơi dậy trí tò mò của tôi để xây dựng các nhân vật và câu chuyện của họ.
Một vận động viên trượt băng nghệ thuật không thích trượt băng sau những thành công ban đầu của mình. Một nhà làm phim tài liệu mong muốn thời gian kéo dài mãi mãi để tránh mất mát. Một phù thủy thoát ra khỏi chiếc hộp được xác định bởi phép thuật của chính cô ấy. Một con thỏ không thua cuộc đua (...) Thỏ không thua cuộc đua, bạn thỏ đã tìm thấy chính mình, tôi đã tìm thấy chính mình", Hạ viết.
Nhật Hạ đại diện học sinh phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Trường Trung học North Dallas (Ảnh: NVCC).
Chia sẻ về một số bí quyết viết luận mà bản thân cảm thấy tâm đắc, cô gái Gen Z đã lựa chọn 7 điều. "Thứ nhất, dù sử dụng ý tưởng quen thuộc, hãy thêm dấu ấn cá nhân để tạo nên sự khác biệt và độc đáo.
Tiếp theo, các bạn có thể tự do viết mà không lo lắng về giới hạn chữ trong những bản thảo đầu tiên. Trong quá trình viết, các bạn có thể nhờ một đến hai người thân như thầy cô, gia đình xem và đưa ra nhận xét. Tiếp đến, tránh dùng những từ ngữ quá hoa mỹ, hãy viết thật chân thực và không cần phải sử dụng từ điển.
Thứ năm, hãy làm cho bài luận trở nên độc đáo đến mức người đọc có thể nhận ra đó là của bạn dù không có tên. Thứ sáu, hãy viết sao cho hội đồng tuyển sinh nhớ đến bạn vì một điều gì đó đặc biệt trong bài luận.
Và cuối cùng, nếu có một câu trích dẫn yêu thích, đừng cố ép nó vào bài luận; thay vào đó, hãy thử đưa nó xuống cuối bài và tiếp tục viết, đôi khi bài luận có thể tốt hơn nếu không có câu trích dẫn đó", cô chia sẻ.
Lấy tiếng mẹ đẻ làm niềm tự hào
Trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp, Hạ đã truyền cảm hứng và động lực cho hơn 200 bạn học sinh cùng khóa.
Đặc biệt, cô đã gây ấn tượng mạnh khi chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Việt để bày tỏ lòng biết ơn đối với gia đình: "Mặc dù con chưa bao giờ nói, cảm ơn ba mẹ đã hy sinh để con có một tương lai tốt hơn. Con mong là đã làm ba mẹ tự hào. Cảm ơn chị hai Hạnh, Phúc, và Hương lúc nào cũng cổ vũ, dẫn đi chơi, và bao trà sữa cho cô em gái hơi khó tính. Con yêu ba mẹ và 3 chị".
Việc sử dụng tiếng Việt trong bài phát biểu đã khiến một số người trong khán phòng bối rối, nhưng Nhật Hạ chưa bao giờ hối tiếc về quyết định này. "Bản thân mình tự hào khi được nói tiếng mẹ đẻ trong lễ tốt nghiệp để cảm ơn gia đình của mình, vì gia đình đã hi sinh rất nhiều và là động lực của mình", cô khẳng định.
Đăng thảo luận