Dự thảo nghị định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến nhân dân.

Trọng dụng người tài  第1张 Ảnh minh họa (nguồn laodong)

Các nhóm được chú trọng tìm kiếm tài năng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực công; người Việt Nam khu vực tư; nhà khoa học trẻ, sinh viên, học sinh tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc trong và ngoài nước...
Về đãi ngộ, hằng tháng, họ được hưởng khoản tiền khuyến khích bằng 100% mức lương hiện hưởng; được ưu tiên nâng lương trước thời hạn hoặc nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liên tiếp… cùng một số chế độ đãi ngộ cụ thể khác.
Trước đó, vào tháng 3-2023, Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan xây dựng chính sách ưu đãi, trọng dụng nhân tài, thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Tháng 7-2023, Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, khuyến khích các cơ quan phát hiện, tiến cử nhân tài vào làm việc trong cơ quan nhà nước trên tinh thần công khai, minh bạch, dân chủ. Với dự thảo lần này, các quan điểm, chính sách được cụ thể hóa, gỡ được những nút thắt về cơ chế, chính sách đãi ngộ qua lương, thưởng, phụ cấp, nhà ở…, tạo sự yên tâm làm việc, cống hiến của người tài.
Đề án thu hút nhân tài từng được TP HCM thí điểm từ năm 2014 đến 2018 với mức lương tối đa 150 triệu đồng/tháng, tuyển được 19 chuyên gia về làm việc. Trong thời gian thí điểm, người tài vào cơ quan nhà nước làm việc được trợ cấp 100 triệu đồng, lĩnh lương mức chuyên gia, sinh hoạt phí 30-50 triệu đồng, ai không có nhà công vụ được cấp thêm 7 triệu đồng mỗi tháng. Những người này được khuyến khích có công trình cụ thể, được thưởng tùy theo giá trị.
Tuy nhiên, giai đoạn chính thức từ năm 2019 trở đi, mức thu nhập giảm còn 13-15 triệu đồng và 14 người rời đi. Từ năm 2019 đến nay, TP HCM không tuyển được nhân tài mới, dù có 20 vị trí đang cần.
Rõ ràng thu hút người tài là việc hết sức cần thiết song sử dụng ra sao, môi trường thế nào, cách thức để người tài có động lực, an tâm gắn bó, phát huy hết tài năng cống hiến là vấn đề phải đáng quan tâm. Điều người tài cần nhất là họ phải được trọng dụng thực sự. Nhiều nơi có chế độ đãi ngộ tốt cả về lương, chỗ ở, đi lại, sinh hoạt, nhưng không ít người tài vẫn ra đi? Ở đây cần xem xét thấu đáo nguyên do, họ ra đi có phải vì chưa thực sự được trân trọng, chưa được tạo điều kiện tốt hay môi trường làm việc chưa phù hợp.
Trong các mối quan hệ công việc, người Việt ta thường nói "may hơn khôn", cũng muốn nhấn mạnh rằng được làm việc với người lãnh đạo am hiểu tâm lý, xử sự công bằng, minh bạch thì cấp dưới cảm thấy mình may mắn, từ đó luôn tận tâm làm việc.
Còn với người làm nhiệm vụ quản lý, cha ông ta cũng dặn dò: "dụng nhân như dụng mộc", cũng hàm ý phải nhất quán tư duy và thực hiện uyển chuyển mới có thể nhận được sự hết mình đóng góp của người tài. Phải chọn đúng người thực tài, trân trọng tài năng công sức, tạo điều kiện tốt nhất cho người tài cống hiến, từ đó đóng góp của người tài mới thiết thực và lớn lao. 
(Theo NLĐ)