Nhiều năm qua, cộng đồng người Việt Nam trên khắp thế giới, từ em nhỏ cho đến người lớn tuổi đang nỗ lực đóng góp vào công cuộc phát huy, bảo tồn để tiếng Việt bay cao, bay xa khắp năm châu.

Trong Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala Tiếng Việt thân thương vừa qua, em Trần Vũ Hạnh My (2016) là nhân vật nhỏ tuổi nhất được vinh danh. 

Dù còn nhỏ tuổi nhưng cô bé đã tích cực tham gia các hoạt động nhằm phát huy và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản, như: Cuộc thi Sáng tác thiệp chúc Tết năm 2024 do Hội Việt ngữ tại Nhật tổ chức, tham gia với tư cách người dẫn chương trình trong Lễ trao giải sáng tác thiệp chúc Tết năm 2024 tháng 2/2024, tham gia đọc sách tiếng Việt hàng tuần qua Zoom.

Cộng đồng kiều bào chung tay, góp sức gieo mầm xanh tiếng Việt  第1张Lớp học tiếng Việt ở Nhật Bản của con em kiều bào.

Cũng tại Nhật Bản, chị Lê Thương, Hiệu trưởng Trường Việt ngữ Cây tre đã tạo môi trường giao lưu về ngôn ngữ, văn hóa và kinh nghiệm sống cho các gia đình người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, Trường Việt ngữ Cây Tre mở lớp hoàn toàn miễn phí.

Chị khẳng định, trên hành trình gieo mầm xanh tiếng Việt ở Nhật Bản, chị và mọi người luôn có sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka cũng động viên và hỗ trợ về mọi mặt. Các chị kết nối được với những doanh nghiệp Việt Nam ở Nhật Bản để có kinh phí và thêm động lực xây dựng nên ngôi trường Việt ngữ.

Tại Malaysia, cô giáo Nguyễn Thị Liên, chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Việt tại Malaysia, Sứ giả tiếng Việt năm 2023 chia sẻ, Câu lạc bộ tiếng Việt chủ yếu dạy cho trẻ em trong cộng đồng người Việt gìn giữ, sử dụng tiếng Việt thành thạo nghe, nói, đọc, viết. 

Nhằm tạo môi trường tìm hiểu về văn hóa, các giáo viên thường tổ chức những hoạt động ngoại khóa nhân các dịp kỷ niệm, lễ, Tết như Tết Trung thu, Tết thiếu nhi 1/6 hay mừng xuân mới... Các bạn nhỏ được vui chơi, tìm hiểu và cảm thấy gần gữi hơn với văn hóa Việt thông qua trò chơi, những câu chuyện, hát múa, biểu diễn, hay làm đèn lồng, làm bánh trung thu... 

Hiện nay, Câu lạc bộ Tiếng Việt tại Malaysia có khoảng 40 cháu, được chia thành nhiều lớp nhỏ, bởi mỗi cháu có một trình độ và khả năng sử dụng tiếng Việt khác nhau. Vì vậy, tùy theo điều kiện của các cháu, các giáo viên tổ chức dạy học trực tiếp hoặc online cho những cháu nhà xa hoặc bố mẹ bận không đưa đón được.

“Để khắc phục những thách thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa và tiếng Việt, cần có sự nỗ lực từ nhiều phía. Trước hết, gia đình đóng vai trò quan trọng. Bố mẹ cần kiên nhẫn dạy con tiếng Việt từ nhỏ, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt và tạo điều kiện cho con giao lưu với bạn bè Việt Nam. Bên cạnh đó, cộng đồng cần cố gắng tổ chức các lớp học tiếng Việt và sự kiện văn hóa để tạo môi trường giao tiếp cho các cháu”, cô giáo Nguyễn Thị Liên nói. 

Tại các diễn đàn dạy và học tiếng Việt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều giáo viên dạy tiếng Việt chia sẻ, việc giảng dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài có những yêu cầu riêng, đặc thù về nội dung và phương pháp. Trong đó, yêu cầu về giáo dục, văn hóa gốc của người Việt, làm sống lại những nét đặc sắc về văn hóa cội nguồn thông qua ngôn ngữ.

Từng có những kinh nghiệm giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường viết văn Nguyễn Du, đồng thời là một người viết sách, cô Trần Thu Dung, giảng viên văn hóa tiếng Việt và tiếng Pháp tại Paris đã ứng dụng những kinh nghiệm dạy ngoại ngữ cho người nước ngoài vào giảng dạy tiếng Việt.

Cô Thu Dung cho rằng, với học sinh gốc Việt, tiếng nước sở tại mới là ngôn ngữ chính thức, còn tiếng Việt sẽ là ngôn ngữ tiếp theo. Vì vậy, khi dạy một ngoại ngữ, người giáo viên phải tạo được niềm vui và khát vọng tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ mới cho học viên. 

"Yếu tố đầu tiên khi dạy một ngoại ngữ, bản thân người dạy phải trân trọng ngôn ngữ văn hóa mình dạy, thông qua việc dạy ngoại ngữ là để truyền bá văn hóa dân tộc và ngôn ngữ, văn hóa mà mình yêu thích. Do vậy, khi dạy ngoại ngữ, dù dạy tiếng nước nào nên kết hợp nói về văn hóa. Kết hợp văn hóa bằng cách nào? Khi dạy tiếng Việt, chẳng hạn, dạy từ “đàn bầu” hay “đàn tơ rưng”, nên kèm theo một trích đoạn để học viên nghe, sẽ thích và yêu ngôn ngữ đang học hơn", cô nói.  

Cô cũng khẳng định, dạy văn hóa dân tộc chính là dạy yêu quê hương, đất nước. Khi đã có tình yêu quê hương, đất nước, các em sẽ hướng về Việt Nam, đóng góp cho Tổ quốc nhiều hơn.