Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).
Đồng thời là dịp để các văn nghệ sĩ Thủ đô sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao viết về mảnh đất và con người Thủ đô nghìn năm văn hiến, gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo tiêu chí mới.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Huy Cường và NSND Trần Quốc Chiêm trao giải Đặc biệt cho đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng với phim tài liệu “Vì Hà Nội ngày mai”. Ảnh: Cẩm TúHà Nội - dòng chảy của cảm hứng nghệ thuật
Diễn ra từ ngày 14/5 - 30/9, các tác phẩm đọat giải trong Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề "Hà Nội - Đổi mới và phát triển" đã thể hiện những ký ức sống động về Hà Nội trong những năm tháng lịch sử đầy biến động. Đồng thời cũng phản ánh chân thật, sâu sắc, toàn diện hiện thực Thủ đô và đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển. Các tác phẩm điện ảnh, văn học, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc… đã cùng nhau tạo nên bức tranh sinh động, khắc họa tình yêu dành cho Hà Nội - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa và tinh thần quý báu của dân tộc.
Họa sĩ Đào Hoa Vinh – chủ nhân tác phẩm “Hẹn ngày về” đọa giải B chia sẻ: “Trong suốt 70 năm phát triển của Hà Nội, tôi đã khắc ghi nhiều dấu ấn không thể nào quên. Một trong số đó là khoảnh khắc lịch sử tháng 2/1947, khi Trung đoàn Thủ đô rút quân qua gầm cầu Long Biên, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Tác phẩm “Hẹn ngày về” đã tái hiện khoảnh khắc thiêng liêng này, nơi người chiến sĩ trong giờ phút rời xa Thủ đô đã hứa hẹn một ngày trở về với người mình yêu. Có thể nói, tình yêu đôi lứa đã hòa quyện trong tình yêu Thủ đô, tạo nên sự gắn kết bền chặt giữa tình cảm cá nhân và tình yêu đất nước”.
Với mong muốn tôn vinh những con người cống hiến cho Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Thị Mai chia sẻ về chùm thơ (gồm 5 bài) đọat giải A của mình: “Chùm thơ của tôi là những thông điệp sâu sắc về quá khứ, tôn vinh những người đã rời xa Hà Nội để cống hiến cho Thủ đô. Trong số họ, có những người may mắn trở về, nhưng cũng có những người không bao giờ trở lại, như người bạn trai của tôi - một người của phố cổ. Bên cạnh đó, Hà Nội còn hiện lên thật tình nghĩa, hòa bình, tuyệt vời trong mắt của Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế”.
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội khẳng định, các tác phẩm đọat giải trong cuộc vận động không chỉ đa dạng về hình thức nghệ thuật mà còn phong phú về cảm hứng, từ quá khứ đến hiện tại của Hà Nội. Trong đó, các tác phẩm “Chiều bên Hồ Tây”, “Hà Nội Thủ đô mến yêu”, “Nỗi nhớ mùa Thu Hà Nội”... đã khắc họa hình ảnh một Hà Nội thơ mộng với tình yêu lứa đôi, thật nhẹ nhàng, tao nhã như cốt cách thanh lịch của người Tràng An…
Bám sát hơi thở thực tế
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, nhiều tác phẩm tham gia Cuộc vận động đã toát lên được hơi thở, nhịp sống đương đại, ca ngợi giá trị tinh hoa của vùng đất, con người và văn hóa Hà Nội với phong cách thể hiện tác phẩm mang cá tính, chất liệu khác nhau, đa sắc màu tạo nên sự phong phú, đa dạng của cuộc vận động.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Huy Cường và NSND Trần Quốc Chiêm trao 6 giải A cho các tác giả. Ảnh: Cẩm TúNhư tác phẩm "Vì Hà Nội ngày mai" đã bám sát Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong đó việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể của Thủ đô là vô cùng cần thiết, khẳng định ý chí, khát vọng, tầm nhìn, nguồn lực sẵn sàng để hướng tới một Thủ đô ngày càng phát triển hiện đại và bền vững, xứng đáng là Thủ đô anh hùng, Thủ đô văn hiến, Thủ đô sáng tạo, Thành phố vì hòa bình”.
Ban Tổ chức đã chọn được 44 tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc nhất để trao giải gồm: 1 giải Đặc biệt, 6 giải A, 13 giải B và 24 giải C. Trong đó, giải Đặc biệt thuộc về đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng với phim tài liệu “Vì Hà Nội ngày mai”.
“Bộ phim tài liệu này chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc, đặc biệt về những điểm nghẽn mà Hà Nội đang phải đối mặt. Trong bộ phim, các bất cập như giao thông, môi trường, giáo dục… đã được nêu rõ, cùng với ý kiến của các chuyên gia và người dân. Từ những vấn đề này, chúng ta cần tìm kiếm giải pháp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Những thông tin này sẽ có tác động lớn đến các nhà hoạch định chính sách, với mục tiêu, hy vọng và mong muốn là làm cho Hà Nội ngày càng đẹp hơn, thanh bình hơn, xứng đáng là trái tim của cả nước” - đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng khẳng định.
Đăng thảo luận