TP HCMVõ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc SCB, khóc khi thừa nhận chỉ đạo, đào tạo nhân viên tư vấn, bán trái phiếu khống, gây thiệt hại cho gần 36.000 bị hại.
Võ Tấn Hoàng Văn là một trong những bị cáo bị HĐXX thẩm vấn tại phiên tòa ngày 20/9, nhằm làm rõ các sai phạm khi giúp sức bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phát hành các gói trái phiếu khống, lừa bán cho 35.824 trái chủ chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Trả lời xét hỏi của tòa, cựu tổng giám đốc SCB thừa nhận sai phạm như các bị cáo khác - sai từ chủ trương phát hành trái phiếu cho đến khi triển khai.
Năm 2018, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB, bà Lan sở hữu trên 91,5 % cổ phần) bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng gặp nhiều khó khăn kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài. Để "cứu vãn tình trạng bê bết", bà Lan ra chủ trương và họp với 5 nhân sự chủ chốt của Vạn Thịnh Phát, SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) chọn các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát để phát hành, tư vấn, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bất hợp pháp, huy động tiền từ người dân để trả nợ ngân hàng, đầu tư dự án và các mục đích cá nhân khác.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn tại tòa hồi tháng 3. Ảnh: Như Quỳnh
Võ Tấn Hoàng Văn khai, cuộc họp hôm đó diễn ra tại bữa cơm trưa ở trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, do bà Lan mời. Do bản thân không có chuyên môn về trái phiếu, chứng khoán nên không tham gia bàn bạc nội dung này.
Bị cáo thừa nhận đã đại diện SCB, Nguyễn Tiến Thành đại diện TVSI phối hợp xây dựng chương trình đào tạo nhân viên tư vấn, giới thiệu các nhà đầu tư thứ cấp (người dân) ký kết hợp đồng mua trái phiếu với TVSI và SCB. Sau đó Văn đã tổ chức đào tạo cho các nhân viên trong toàn hệ thống (2.479 nhân viên tại 239 chi nhánh, phòng giao dịch).
Cơ quan điều tra xác định, cựu tổng giám đốc SCB chỉ đạo Khối Ngân hàng bán lẻ triển khai tổ chức bán hàng, đào tạo sản phẩm mới cho Giám đốc và các nhân viên tại các Chi nhánh và Phòng giao dịch của SCB; xây dựng và triển khai các chính sách hoa hồng, chương trình thi đua giới thiệu khách hàng cho các đơn vị kinh doanh...
Với các hành vi đã thực hiện, ông Văn bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức tích cực cho bà Lan hoàn thành việc bán trái phiếu của các Công ty An Đông, Quang Thuận và Setra; đồng phạm với bà Lan chiếm đoạt số tiền hơn 28.000 tỷ đồng của của 35.818 bị hại.
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 20/9. Ảnh: Thanh Tùng
Trả lời HĐXX, ông Văn khai đã chỉ đạo các phòng ban giới thiệu, tư vấn bán trái phiếu sau khi đã đăng ký thành công với Ủy ban chứng khoán; ủy quyền cho đại diện phía ngân hàng ký kết hợp đồng với TVSI về việc hợp tác giới thiệu nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, hoặc chuyển nhượng trái phiếu.
Chủ tọa hỏi: "Bị cáo có cho rằng việc SCB tư vấn, bán trái phiếu cho người dân là đánh tráo khái niệm không?". Ông Văn nói, điều này cũng được cơ quan điều tra đưa ra trước đó nhưng bị cáo khẳng định SCB không tham gia ký và "quá trình tư vấn không đánh tráo khái niệm".
"Trái phiếu là sản phẩm của bên thứ 3, SCB đã xây dựng quy trình, tài liệu để đào tạo toàn bộ nhân viên trước khi tư vấn cho khách hàng, và quá trình triển khai thực hiện được kiểm soát chặt chẽ", cựu CEO SCB cho biết.
Sau gần 30 phút trả lời thẩm vấn, ông Văn xin tòa được trình bày, sau đó ngập ngừng, nghẹn giọng, nói chỉ được ngân hàng trả lương theo tháng, và không hưởng lợi gì khác trong việc này.
"Thời điểm đó bị cáo chỉ nghĩ việc này là khai thác nguồn tài nguyên khách hàng mà SCB đã nỗ lực nhiều năm mới có được. Khi xảy ra sự việc, bị cáo rất đau lòng. Bị cáo không nghĩ rằng gây thiệt hại cho quá nhiều người dân như vậy", ông Văn bật khóc thành tiếng.
Theo cáo trạng, trong "thương vụ" lừa đảo 30.081 tỷ đồng qua trái phiếu khống, bà Lan là người chi phối, điều hành, chỉ đạo, quyết định mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đường đi nước bước. Chỉ trong 2 năm, các bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.0000 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư.
Sau khi thu được tiền từ việc bán trái phiếu, các đồng phạm của bà Lan đã thực hiện giao dịch chuyển tiền cho cá nhân được thuê để rút tiền tại SCB nhằm che giấu, "cắt đứt dòng tiền" và sử dụng toàn bộ tiền bán trái phiếu vào mục đích: trả nợ vay ngân hàng; trả gốc, lãi trái phiếu; chi dự án; chuyển tiền ra nước ngoài và mục đích cá nhân khác của bà Lan, dẫn đến mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.
Ngoài hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên, trong giai đoạn hai của đại án, bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc về hành vi "rửa" 445.747 tỷ đồng, vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng) qua biên giới.
Chiều nay, tòa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo là nhân viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Quốc Thắng - Hải Duyên
Đăng thảo luận