Một bản cập nhật từ đối tác của Microsoft có thể làm gián đoạn hệ thống hàng không toàn cầu đã phơi bày sự mong manh của hệ thống Internet.
Ngày 19/7, bản cập nhật phần mềm của công ty an ninh mạng CrowdStrike đã ảnh hưởng đến hàng loạt khách hàng dùng hệ điều hành Windows trên toàn cầu. Dù Microsoft tuyên bố sự cố đã được khắc phục, ảnh hưởng của nó vẫn chưa dừng lại. Nhiều chuyến bay khắp thế giới bị gián đoạn, dẫn đến việc điều chỉnh kế hoạch khai thác và tạo tác động dây chuyền. Một số đài truyền hình phải ngưng phát sóng. Một số dịch vụ ngân hàng, hệ thống chăm sóc sức khỏe chạy hệ điều hành Microsoft bị tê liệt.
Trong một thông báo gửi đến khách hàng chiều 19/7, CrowdStrike xác nhận bản cập nhật phần mềm Falcon Sensor, dùng để bảo vệ máy tính Windows, đã gây ra sự cố và hiển thị 'màn hình xanh chết chóc'. Trong một quảng cáo gần đây, công ty tuyên bố hơn một nửa công ty trong danh sách Fortune 500 dùng phần mềm CrowdStrike.
Reuters dẫn lời giáo sư Ciaran Martin tại Trường Chính phủ Blavatnik thuộc Đại học Oxford, kiêm cựu giám đốc Trung tâm An ninh mạng quốc gia Anh: "Đây là minh họa rất, rất khó chịu về sự mong manh của cơ sở hạ tầng Internet trọng điểm của thế giới".
Hành khách đứng trước "màn hình xanh chết chóc" tại sân bay ở New Delhi (Ấn Độ) ngày 19/7. Ảnh IANS/Anupam Gautam
Sự mất kết nối lan rộng. Các sân bay ở Singapore, HongKong và Ấn Độ cho biết một số hãng hàng không phải làm thủ tục theo cách thủ công. Sân bay Schiphol của Amsterdam, một trong những sân bay bận rộn nhất châu Âu, bị ảnh hưởng. Trong khi hãng hàng không Iberia cho biết phải vận hành theo cách lạc hậu đến khi quầy làm thủ tục điện tử và trực tuyến được kích hoạt lại.
Tại Mỹ, hàng loạt chuyến bay bị hủy với lý do "gặp vấn đề liên lạc". Việc đặt vé, cấp thẻ lên máy bay và một số khâu khác bị lỗi nghiêm trọng. Tại Việt Nam, Vietjet, hãng hàng không giá rẻ, cho biết hệ thống Microsoft Cloud toàn cầu gặp sự cố đã ảnh hưởng tới việc đặt chỗ, làm thủ tục online. Dù đã hoạt động trở lại, một số chuyến bay sau đó vẫn chịu ảnh hưởng dây chuyền.
Tại Anh, hệ thống đặt chỗ của các bệnh viện, phòng khám đã bị treo. Sky News, một trong những đài truyền hình lớn của đất nước đã ngừng phát sóng, xin lỗi vì không thể truyền hình trực tiếp. Câu lạc bộ bóng đá Manchester United thông báo trên X rằng họ đã phải hoãn lịch phát hành vé.
Tại Australia, công ty viễn thông Telstra cho biết sự cố của Microsoft đã làm gián đoạn hệ thống liên lạc, gây ra một số chậm trễ cho khách hàng. Cơ quan quản lý sân bay AENA của Tây Ban Nha thông báo với hành khách về "lỗi liên quan đến máy tính" khiến hoạt động trục trặc. Bộ ngoại giao Hà Lan nói với ANP rằng họ cũng bị ảnh hưởng bởi lỗi mất kết nối của Microsoft.
Vấn đề hiện đã được xử lý, trong khi các nhà phân tích nhận định đây có thể là lỗi mất kết nối lớn nhất và có tính "tàn phá" khủng khiếp nhất từ trước đến nay.
Ajay Unni, Tổng giám đốc điều hành StickmanCyber, một trong những công ty dịch vụ an ninh mạng lớn nhất Australia, nói với Reuters: "Các công cụ bảo mật thông tin được tạo ra để giúp công ty vẫn hoạt động được khi bị tấn công dữ liệu. Nhưng nếu chính những công cụ này là nguyên nhân gây ra sự cố, làm sập hệ thống kết nối Internet trên toàn cầu, đó sẽ là thảm họa không thể tránh được".
Khương Nha
Đăng thảo luận