Theo Bộ Ngoại giao, nhân dịp tham gia chuỗi hội nghị ASEAN tại Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, tiếp xúc với tất cả lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế.
Chiều 8-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về kinh doanh và đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2024 - Ảnh: QUỲNH TRUNG
Ngoài gặp lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn gặp lãnh đạo cấp cao các đối tác của ASEAN gồm: Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand.
3 đóng góp lớn của Việt Nam
Trong 4 ngày dự chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Vientiane (Lào), Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên đoàn đã tham dự hơn 60 hoạt động cả song phương và đa phương.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết những phát biểu của Thủ tướng tại các hội nghị có chủ đề "Tăng cường kết nối và tự cường" không chỉ làm sâu sắc hơn nội hàm của "kết nối" và "tự cường" trong bối cảnh hiện nay, mà còn gợi mở tư duy, cách tiếp cận và ý tưởng phát triển mới cho khu vực xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Vientiane sáng 11-10 - Ảnh: ĐOÀN BẮC
Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao, Việt Nam có 3 đóng góp lớn tại hội nghị lần này.
Một là, phát huy tự cường ở tất cả các cấp độ. Thủ tướng khẳng định đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, tự cường và tự chủ chiến lược là điều kiện tiên quyết để ASEAN vững vàng trong biến động.
Trong triển khai quan hệ với các đối tác, ASEAN cần giữ vững vai trò trung tâm, duy trì độc lập, cân bằng chiến lược và ứng xử có nguyên tắc. Trong các vấn đề quốc tế và khu vực, ASEAN cần kiên định các lập trường nguyên tắc, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), và phát huy tiếng nói chung.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chia sẻ và đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác ủng hộ lập trường của ASEAN và các nỗ lực xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Hai là, kết nối chiến lược trên tất cả các phương diện. Cụ thể kết nối tầm nhìn chung, cùng đóng góp trách nhiệm, xây dựng và thiện chí đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng; kết nối hợp tác phát triển, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ổn định và tự cường chuỗi cung ứng; và kết nối người dân, tăng cường giao lưu, gắn bó, hiểu biết, củng cố thêm vững chắc bản sắc của Cộng đồng ASEAN cũng như nền tảng quan hệ hữu nghị giữa ASEAN với các đối tác.
ASEAN mở rộng hợp tác cho kỷ nguyên mớiĐỌC NGAY
Ba là, sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới của ASEAN.
Trước các chuyển động nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực hiện nay, Thủ tướng đã nêu bật ba nhiệm vụ để ASEAN vững vàng phát triển và vững bước tương lai.
ASEAN cần có tư duy kiến tạo, ý tưởng đột phá và hành động quyết liệt để phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt.
ASEAN cần là cầu nối gắn kết các ưu tiên ở khu vực với các ưu tiên ở toàn cầu, tạo sự bổ trợ và cộng hưởng trong các nỗ lực bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển.
ASEAN cần khuyến khích sự tham gia và đóng góp rộng rãi hơn của các nhóm, giới, bao gồm các nghị viện, doanh nghiệp, thanh niên cho tiến trình xây dựng cộng đồng.
Dịp này, Thủ tướng thông báo Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho hợp tác và liên kết khu vực.
Hội kiến với tất cả lãnh đạo cấp cao Lào
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tại cuộc gặp ngày 8-10 - Ảnh: TTXVN
Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nhân dịp dự chuỗi hội nghị tại Vientiane, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội kiến với tất cả lãnh đạo cấp cao Lào. Các trao đổi giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Lào hết sức chân tình, thực chất, thể hiện mức gắn bó tin cậy cao nhất.
Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào, luôn nỗ lực vun đắp và đưa quan hệ Việt Nam - Lào tiếp tục phát triển bền vững, ngày càng đi vào chiều sâu.
"Lãnh đạo cấp cao Lào chân thành cảm ơn sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa và sự hỗ trợ vô tư, trong sáng của Việt Nam dành cho Lào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như phát triển đất nước ngày nay.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào: Thành công trong năm ASEAN 2024 có đóng góp của Việt Nam
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác và kết nối hiệu quả trong các lĩnh vực, trong đó có cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại - đầu tư, nông nghiệp, chăn nuôi công nghệ cao, bảo đảm an ninh lương thực. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, du lịch, giao lưu nhân dân, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phối hợp tôn tạo bảo vệ các công trình di tích ghi dấu quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào" - ông Bùi Thanh Sơn nêu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của Lào trên cương vị chủ tịch ASEAN 2024, khẳng định Việt Nam sẵn sàng tăng cường phối hợp với Lào và các nước để các hội nghị thành công tốt đẹp, góp phần phát huy uy tín của Lào và sự đoàn kết, đồng thuận của ASEAN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Lào và Thủ tướng Campuchia, cùng nhau nhấn mạnh truyền thống và giá trị của tình đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp và khó lường. Cũng như nhất trí tiếp tục phối hợp đưa quan hệ hợp tác ba nước ngày càng thực chất và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết thực của ba nước và phù hợp với nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Thủ tướng Việt Nam, Lào, Campuchia có buổi ăn sáng làm việc vào ngày 9-10, nhân dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần 44, 45 tại Vientiane - Ảnh: DƯƠNG GIANG
Lãnh đạo các nước coi trọng vị thế của Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres vui mừng gặp lại nhau tại Lào - Ảnh: ĐOÀN BẮC
Cũng nhân dịp này, theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thủ tướng đã có các cuộc hội kiến, gặp gỡ, tiếp xúc với tất cả lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế.
Tại các cuộc gặp, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đều khẳng định tầm quan trọng của quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao vị thế và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo cấp cao các nước đã trao đổi sâu rộng, toàn diện, rà soát việc thực hiện các thỏa thuận, đồng thời trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực truyền thống, trong đó có kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng, văn hóa - giáo dục, giao lưu nhân dân và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), mở ra các cơ hội đưa hợp tác giữa Việt Nam và các nước ngày càng sâu sắc, hiệu quả và thực chất.
Đăng thảo luận